Ở Việt Nam, số bệnh nhân mắc bệnh van hai lá và van động mạch chủ được phẫu thuật thay van tim nhân tạo đang ngày càng phổ biến. Chọn lựa loại van nào là việc rất quan trọng, liên quan đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống sau khi thay van chứ không đơn thuần như chọn một món đồ.
Bệnh lý nào cần thay van tim nhân tạo?
Thường là các bệnh hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ. Một người có thể mắc một hoặc nhiều bệnh trên, mắc bệnh một van tim hoặc cả hai van tim. Với các bệnh này, tuỳ mức độ từ nhẹ tới nặng mà có phương thức điều trị nội khoa, nong van, phẫu thuật. Khi điều trị phẫu thuật, bác sĩ thường cố gắng sửa chữa các van tim. Tuy nhiên, với tổn thương không thể sửa chữa, phương pháp được chọn sẽ là thay van tim nhân tạo.
Hiện van tim nhân tạo sử dụng phổ biến là van cơ học và van sinh học. Van cơ học tạo từ vật liệu tổng hợp và hợp chất kim loại như carbon, titanium…; còn van sinh học tạo từ van tim của heo hoặc mô tim của bò đã qua xử lý. Do van cơ học có chất liệu cứng và không phải mô sinh học nên dòng máu đi qua van dễ bị vỡ tế bào hồng cầu và dễ tạo huyết khối. Cục máu đông tắc ở van cơ học có thể làm van không hoạt động, nguy hiểm đến tính mạng; nếu tắc ở ngoài tim có thể gây nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, huyết khối ở thận, ở chân… Vì vậy, trong thời gian mang van cơ học, người bệnh phải uống thuốc kháng đông mỗi ngày để làm loãng máu và cần xét nghiệm định kỳ nhằm theo dõi, điều chỉnh liều thuốc sao cho máu loãng ở mức vừa phải. Khi người bệnh mang van cơ học dùng kháng đông đúng cách, vẫn có tỷ lệ tạo huyết khối trên mỗi bệnh nhân khi thay van động mạch chủ là 0,5 – 3% /năm và khi thay van hai lá là 0,5 – 5% /năm. Van sinh học không có nguy cơ tạo huyết khối nên người bệnh chỉ cần dùng thuốc kháng đông trong thời gian ba tháng sau phẫu thuật.
Van mắc tiền sẽ tốt hơn?
Hiện ở Việt Nam van sinh học có giá cao hơn van cơ học khá nhiều (gần gấp đôi, khoảng trên 2.000 USD). Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng lại không phụ thuộc vào giá tiền. Van cơ học có ưu thế ở chỗ van không trở nên cứng, bị vôi hoá theo thời gian như van sinh học. Do vậy, tính từ khi thay van, van cơ học có thể sử dụng khoảng 20 – 30 năm, trong khi van sinh học chỉ khoảng 8 – 15 năm. Bên cạnh đó, van sinh học có khuynh hướng thoái hoá nhanh ở người trẻ. Vì thế, với bệnh nhân dưới 60 tuổi, sử dụng van cơ học sẽ tốt hơn do giảm khả năng phẫu thuật lần hai để thay van mới khi van hư. Tuy vậy, mang van cơ học có bất tiện là người bệnh có thể nghe tiếng kêu nhỏ phát ra từ lồng ngực mỗi khi van tim đóng, mở.
Sự khác biệt chính giữa van cơ học và van sinh học là thời gian sử dụng và vấn đề dùng thuốc kháng đông. So với van sinh học, van cơ học có lợi điểm sử dụng lâu dài hơn, tốt hơn nhưng phải uống thuốc kháng đông. Ngược lại, van sinh học có thời gian sử dụng ngắn hơn nhưng không cần uống thuốc kháng đông. Tuỳ trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn nên chọn loại van nào.
Làm sao để chọn được van phù hợp?
Thường, bác sĩ sẽ khuyên sử dụng van cơ học cho các trường hợp: bệnh nhân dưới 60 tuổi; bị rung nhĩ; đang uống thuốc kháng đông do bệnh lý khác hoặc do có yếu tố nguy cơ tạo huyết khối. Những trường hợp được khuyên chọn van sinh học: bệnh nhân trên 65 tuổi; tiên lượng sống dưới mười năm; có chống chỉ định dùng kháng đông hoặc có nguy cơ dễ chảy máu; đã từng gặp biến chứng liên quan đến dùng thuốc kháng đông; không có điều kiện xét nghiệm INR thường xuyên; phải phẫu thuật lần nữa để thay van do bị huyết khối trên van cơ học…
Với phụ nữ trẻ, chưa có con và chấp nhận cuộc phẫu thuật lần hai thì có thể chọn van sinh học để sinh con ít nguy cơ; hoặc với người trẻ tuổi muốn có chất lượng cuộc sống tốt, không phải phụ thuộc thuốc kháng đông, chấp nhận thêm một lần phẫu thuật sau này thì có thể chọn van sinh học…
BS CK1 NGÔ BẢO KHOA
www